Cách chọn vải may váy đầm đẹp, được ưa chuộng hiện nay

Chia sẻ:

Váy, đầm là một item thời trang được rất nhiều phụ nữ yêu thích và sử dụng phổ biến hiện nay. Đây là kiểu trang phục có tính ứng dụng cao, bạn có thể mặc khi đi làm, đi dự tiệc, đi chơi hay kể cả khi ở nhà. Tuy nhiên, tùy vào từng hoàn cảnh và kiểu dáng váy mà loại vải dùng để may váy sẽ khác nhau. Dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn một số cách chọn vải may váy đẹp và phù hợp với nhu cầu sử dụng, mời bạn tham khảo.

Cách chọn vải may váy đẹp và phù hợp theo nhu cầu sử dụng

Váy đi dạo phố

Váy đi dạo phố thường được thiết kế khá kín đáo, đa phần là những kiểu váy suông giản dị, không quá phô trương. Do đó, các loại vải như cotton hay đũi sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để may váy đi dạo phố. Bởi những chất liệu và kiểu dáng này sẽ giúp việc di chuyển và hoạt động được thoải mái hơn trong khi vẫn giữ được nét thanh lịch và tinh tế cho người mặc.

Bên cạnh đó, hai chất liệu trên còn có thể kết hợp dễ dàng cùng nhiều loại trang phục phụ kiện khác nhau. Ví dụ như vào mùa đông bạn có thể mặc thêm áo dạ, áo khoác ngoài đi kèm với khăn quàng cổ, từ đó giúp bạn năng động và tự tin hơn.

Mẫu váy đi dạo phố tự tin, thoải mái
Mẫu váy đi dạo phố tự tin, thoải mái

Váy đầm đi dự tiệc

Với các loại váy đi dự tiệc hay liên hoan thì bạn sẽ có đa dạng lựa chọn hơn. Tùy vào thời điểm tham dự tiệc mà chất liệu váy bạn chọn cũng khác nhau.

Nếu bạn cần đi một buổi tiệc vào ban ngày thì các chất liệu như organza hay vải nhung là sự lựa chọn hợp lý. Bởi đây là 2 chất liệu khá an toàn, vẫn khiến bạn nổi bật nhưng không tạo nên sự khác biệt quá lố trong buổi tiệc.

Ngược lại, nếu bạn cần đi dự tiệc vào ban đêm thì vải Tafta với bề mặt trơn mịn, sắc nét chắc chắn sẽ giúp bạn trở nên hoàn hảo và lộng lẫy nhất. Đây là loại vải được làm từ tơ tằm nhân tạo hoặc acetate, polyester. Nó có khả năng bắt ánh điện tốt nên sẽ khiến bạn nổi bật và dễ thu hút sự chú ý.

Mẫu đầm dự tiệc sang trọng quý phái
Mẫu đầm dự tiệc sang trọng quý phái

Xem thêm: Tại sao bạn nên chọn đồng phục áo polo công ty của Phương Thảo?

Phong cách thời trang và quyến rũ

Với phong cách quyến rũ và thời thượng thì các loại đầm, váy nên được thiết kế bằng vải lụa và vải chiffon. Vải lụa là loại vải rất cao cấp, được làm từ sợi tơ tằm nên có bề mặt mỏng và mịn màng. Trong khi đó vải chiffon hay còn gọi là vải voan, cũng là một loại vải mỏng, mềm mại và có độ trong.

Cả hai loại vải trên khi dùng để may váy, đầm sẽ giúp người mặc trở nên thướt tha, điệu đà, quyến rũ hơn nhưng không kém phần thanh lịch và sang trọng. Ngoài ra, có thể kết hợp vải chiffon, vải lụa với vải ren để tăng thêm sự bí ẩn và thu hút.

Mẫu váy quyến rũ và thu hút
Mẫu váy quyến rũ và thu hút

Phong cách cá tính

Nếu bạn là người yêu thích sự năng động, cá tính thì vải jean chính là sự lựa chọn tốt nhất khi may váy, đầm. Vải jean hay còn gọi là vải bò, được làm từ cotton Duck cùng bông thô. Loại vải này khá cứng và dày hơn so với các loại vải khác nên sẽ thích hợp để may những bộ đồ thể hiện sự cá tính, phong cách độc đáo và tinh tế. Đặc biệt, vải jean còn giúp tôn dáng rất tốt nên nó sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

Mẫu váy jean thời trang cá tính, năng động
Mẫu váy jean thời trang cá tính, năng động

Một số loại vải may váy đầm được ưa chuộng

Vải cotton

Vải cotton là loại vải được dùng phổ biến nhất để may trang phục hiện nay, trong đó có cả các bộ váy, đầm. Loại vải này được làm chủ yếu từ sợi bông và một số chất hóa học. Hiện nay, vải cotton được chia thành rất nhiều loại khác nhau gồm:

  • Vải cotton tự nhiên 100%
  • Vải cotton poly
  • Vải cotton satin
  • Vải cotton lụa
  • Vải cotton nhung
  • Vải cotton 65/35 (CVC)
  • Vải cotton 35/65 (Tixi)
Vải cotton
Vải cotton

Ưu điểm

Về cơ bản, vải cotton sẽ mang đến cho người mặc cảm giác thoải mái, dễ chịu và thông thoáng do có khả năng thấm hút tốt. Khi may váy bằng loại vải này bạn sẽ không lo bị nóng hay cảm thấy bí bách, nhất là vào mùa hè. Vì thế bạn có thể dùng vải cotton để may váy đi chơi, váy công sở hay kể cả váy ngủ mà không lo bị khó chịu hay không phù hợp.

Nhược điểm

Tuy nhiên, vải cotton thường có hiện tượng đổ lông sau một thời gian sử dụng. Vì thế, khi giặt tẩy bạn cần làm thực hiện nhẹ nhàng, không dùng chế độ sấy quần áo quá mạnh. Ngoài ra, chất cotton còn dễ bị chảy xệ, dễ bị nhăn nên có thể khiến váy của bạn bị dài hơn so với kích thước ban đầu sau một thời gian sử dụng.

Vải Tafta

Vải Tafta hay vải Taffeta, là loại vải dệt có bề mặt khá trơn mịn và sắc nét. Đây là loại vải được dệt theo công nghệ xoắn, thường được cấu tạo từ nhiều loại sợi khác nhau như tơ tằm, tơ nhân tạo, polyester hay acetate. Bề mặt vải tafta có ánh kim nên thường có khả năng bắt sáng tốt, giúp mang đến sự sang trọng, cao cấp nên được rất nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng.

Vải Tafta
Vải Tafta

Ưu điểm

Ưu điểm lớn nhất của vải tafta là khả năng chống nhăn tốt. Do vải được dệt theo dạng xoắn nên kết cấu vải rất bền vững, có thể tránh được tình trạng xô lệch hay nhăn nhúm khi sử dụng. Hoa văn trên tafta khá đa dạng, sắc nét và tinh xảo nên có thể dễ dàng thiết kế nhiều kiểu đầm, váy với kiểu dáng và mẫu mã khác nhau.

Bên cạnh đó, vải tafta thường có độ bóng nhẹ nhàng, vừa phải, khi có ánh đèn chiếu vào sẽ làm nổi lên sợi vải cùng những họa tiết bắt mắt. Điều này khiến những chiếc váy, đầm trở nên lấp lánh, huyền ảo và thu hút hơn. Ngoài ra, khả năng dễ làm sạch khi dính bẩn cùng giá thành phải chăng là những ưu điểm nổi bật khiến vải tafta được ưa chuộng hơn cả.

Nhược điểm

Có nhiều ưu điểm là vậy nhưng vải tafta lại không thấm hút mồ hôi tốt nên dễ gây cảm giác nóng nực, khó chịu cho người mặc, đặc biệt là khi trời nóng. Loại vải này cũng có độ co giãn kém và tốn thời gian giặt ủi hơn những loại vải thông thường khác. Do đó, khi chọn vải tafta để may váy đầm bạn cần cân nhắc về vấn đề này.

Vải ren

Vải ren được xem như biểu tượng của sự “bí ẩn”, “quyến rũ” của phụ nữ. Đây là loại vải được tạo nên bằng cách đan, bện, lặp, xoắn nhiều sợi vải lại với nhau để hình thành những lỗ hổng hay khoảng trống trên bề mặt vải. Khi số lượng sợi và mũi đan càng dày thì chất lượng vải ren càng tốt. Thông thường vải ren sẽ được làm từ tơ, lụa hoặc sợi bông.

Vải ren
Vải ren

Ưu điểm

Ưu điểm nổi bật của vải ren là thoáng khí nên sẽ không khiến người mặc cảm thấy nóng nực. Do có kết cấu đặc biệt nên vải ren còn giúp phái đẹp trở nên quyến rũ, ngọt ngào, đầy bí ẩn và tinh tế hơn. Bạn cũng có thể tạo ra nhiều loại trang phục khác nhau từ vải ren, không chỉ mỗi váy, đầm nên loại vải này có tính ứng dụng rất cao.

Đặc biệt, vải ren có độ bền khá cao nên thường không bị co giãn, ít bị hư tổn dù đã sử dụng một thời gian dài.

Nhược điểm

Vải ren rất mỏng và có lỗ hổng trên bề mặt vải nên có thể dễ dàng nhìn xuyên qua khi mặc một mình. Vì thế, khi dùng vải ren may váy người dùng cần phải có thêm một lớp lót bên trong. Đặc biệt, nó dễ bị mắc phải nếu va phải những vật sắc nhọn, do đó bạn không nên giặt đồ làm từ vải ren bằng máy giặt để tránh bị hư hỏng.

Xem thêm: Lợi ích của việc may đồng phục nhà hàng đẹp

Vải đũi

Nhẹ nhàng và thanh thoát là những gì chúng ta thường thấy ở vải đũi. Đây cũng là loại vải được nhiều chị em ưa chuộng khi may váy đầm. Tuy không được mềm mịn như lụa nhưng vải đũi vẫn có độ rũ và sự bồng bềnh nhất định, khiến những chiếc váy trở nên nhẹ nhàng và tinh tế hơn.

Vải đũi
Vải đũi

Ưu điểm

Do được làm từ sợi tơ tằm nên độ mềm mại và nhẹ nhàng của vải đũi là không thể phủ nhận. Kết cấu vải có những khoảng hở nên rất thoáng khí, dễ chịu, khả năng thấm hút mồ hôi tốt nên rất thích hợp mặc vào mùa hè.

Vải đũi không tích điện nên bạn có thể an tâm mặc khi trời lạnh. Loại vải này cũng rất an toàn với da, không gây mẫn cảm, dị ứng cho người dùng. Vải đũi cũng khá thân thiện với môi trường do không dùng hóa chất công nghiệp, cách bảo quản đơn giản.

Nhược điểm

Tuy vậy, vải đũi thường dễ nhăn trong quá trình sử dụng nên bạn cần lưu ý. Bên cạnh đó, hiệu ứng co nhăn trên vải sẽ là nhược điểm nếu bạn không biết cách sử dụng và bảo quản.

Vải voan

Vải voan còn được gọi là vải chiffon, có đặc điểm là mỏng, nhẹ và trơn mềm. Chất liệu này mang đến cảm giác bay bổng, thoải mái cho người mặc nên là sự lựa chọn lý tưởng cho những bộ váy thể hiện sự thanh lịch, nữ tính, mềm mại và quyến rũ.

Vải voan
Vải voan

Ưu điểm

Voan là chất liệu được sử dụng rất phổ biến hiện nay bởi nó không bị nhàu hay nhăn và có độ thoáng mát nhất định. Vì thế, những trang phục làm bằng vải voan thường được ưa chuộng mặc trong mùa hè hơn các loại vải khác. 

Bên cạnh đó, chất liệu voan còn có thể biến hóa đa dạng phong cách, màu sắc nên có tính ứng dụng cao. Người mặc trang phục làm từ vải voan cũng thoải mái, dễ chịu, đặc biệt là với các cô gái sẽ thể hiện sự nữ tính, yêu kiều, sang trọng, phù hợp cho các buổi đi chơi, đi tiệc.

Nhược điểm

Tuy có trọng lượng nhẹ và độ bền cao nhưng một số loại vải voan quá mỏng sẽ khiến người mặc cảm thấy không tự tin do độ xuyên thấu của nó. Vì thế, trong một số trường hợp cần phải may thêm lớp lót bên trong thì mới có thể mặc được.

Ngoài ra, loại vải này cũng dễ bị cháy, dễ bám bẩn và rất khó tẩy. Đồng thời, do tính chất là vải trơn nên sẽ khó tạo hình khi cắt may, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật cao thì mới đảm bảo không bị hỏng hay lỗi vải.

Xem thêm: Những mẫu đồng phục bảo hộ lao động cho nữ công sở

Vải lụa

Lụa là một trong những loại vải được rất nhiều chị em ưa chuộng dùng để may váy, đầm. Đây là chất liệu vải cao cấp có nguồn gốc từ những sợi tơ tự nhiên với độ sáng, bóng và độ bền cao. Những chiếc váy được may từ vải lụa cao cấp sẽ trở nên vô cùng hoàn hảo, mang đến sự quý phái, sang trọng và đẳng cấp cho người mặc.

Vải lụa
Vải lụa

Ưu điểm

Ưu điểm nổi bật nhất của vải lụa là sự mềm mại và khả năng thấm hút tốt, dù gặp phải nhiệt độ cao cũng không bị biến dạng. Chính sự mềm mịn và bồng bềnh của loại vải này đã khiến cho mọi bộ trang phục đều trở nên quý phái, sang trọng. 

Đặc biệt, vải lụa được là từ sợi tơ tằm tự nhiên nên rất an toàn với da, không gây kích ứng cho người dùng và rất thân thiện với môi trường.

Nhược điểm

Tuy vậy, vải lụa rất dễ bị nhăn khi mặc, vì thế bạn cần hạn chế ngồi lâu để tránh tạo nếp nhăn cho vải. Ngoài ra, giá thành cao cũng là nhược điểm lớn của loại vải này.

Vải lanh

Vải lanh là loại vải được làm từ cây lanh và một số loại vỏ, sợi của các loại cây khác. Vải lanh có đặc điểm là nhẹ, mát lạnh, thông thoáng và dễ mặc. Hiện nay, vải lanh khá đa dạng về màu sắc và hoa văn nên được sử dụng nhiều để may váy, đầm.

Vải lanh
Vải lanh

Ưu điểm

Những ưu điểm nổi bật của vải lanh phải kể đến là:

  • Có độ mềm mịn cao do thành phần vải không có chất xơ, giúp mang đến cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người mặc.
  • Độ bóng tự nhiên cao nên giúp tăng tính thẩm mỹ cho trang phục.
  • Khả năng chống khuẩn và bụi bẩn tốt, không sử dụng các chất hóa học khi sản xuất.
  • Độ bền của vải cao, độ co rút vừa phải và không hay bị sờn dù đã sử dụng thời gian dài.
  • Khả năng thấm hút mồ hôi tốt, mang đến sự thông thoáng và thoải mái cho người mặc.
  • Không gây dị ứng hay kích ứng da do được làm từ 100% tự nhiên.
  • Dễ giặt giũ và loại bỏ vết bẩn.

Nhược điểm

Bên cạnh đó, vải lanh cũng tồn tại một số hạn chế như: Vải dễ bị nhăn khi sử dụng, độ đàn hồi thấp, dễ bị rách. Đặc biệt, nếu tiếp xúc với mồ hôi quá nhiều mà không được giặt ủi đúng cách thì vải cũng dễ bị mốc.

Vải organza

Organza là loại vải đang “làm mưa làm gió” trong vài năm gần đây và được rất nhiều người ưa chuộng. Đây là một loại vải dệt trơn, mỏng, chủ yếu làm từ lụa hay các loại sợi tổng hợp như nylon, polyester và chất keo. Vì thế, vải organza thường khá cứng, mỏng và dễ nhìn xuyên qua.

Vải organza
Vải organza

Ưu điểm

Vải organza thường có ưu điểm là độ thoáng khí cao, mỏng, nhẹ và đa dạng về màu sắc. Vì thế, những trang phục được làm từ loại vải này cũng đa dạng kiểu dáng và phong cách hơn. Bên cạnh đó, vải organza cũng ít bị nhắn, có thể giữ được phom dáng ban đầu dù đã sử dụng lâu. Có thể coi đây là ưu điểm rất nổi bật của vải organza mà ít loại vải khác có được.

Nhược điểm

Vì khá mỏng nên vải organza không quá kín đáo, không thể giữ nhiệt khi mặc. Vì thế, nó chỉ thích hợp may trang phục mùa hè và cần có thêm lớp lớp bên trong. Khi va chạm với những vật sắc nhọn, loại vải này còn dễ bị trầy xước, có thể gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Ngoài ra, khi may trang phục bằng vải organza, người thợ cần phải có kinh nghiệm và tay nghề tốt bởi loại vải này rất khó may.

Vải nhung

Vải nhung là một loại vải mềm, mịn và có độ mượt cao, khả năng giữ ấm tốt. Bạn có thể dễ dàng nhận biết loại vải này thông qua độ sáng bóng, sang trọng và độ nặng đặc trưng của vải. Bề mặt vải nhung được dệt từ những sợi dày xếp sát nhau tạo nên độ mượt mà và mềm mịn khi chạm tay vào.

Vải nhung
Vải nhung

Ưu điểm

Ưu điểm lớn nhất của vải nhung là bề mặt mềm mịn, mượt mà và khả năng giữ nhiệt rất tốt. Do đó, loại vải này rất hợp mặc trong tiết trời mùa thu đông, se se lạnh. Trang phục làm từ vải nhung giúp tạo nên sự quyến rũ, nổi bật, mang đến sự thanh lịch và sang trọng cho người mặc. Đặc biệt, trong một số trang phục hiện đại, vải nhung còn giúp tạo nên nét cá tính, ngọt ngào và quyến rũ cho phái đẹp.

Nhược điểm

Vì khả năng giữ ấm cao nên vải nhung khá dày và nặng, đôi khi sẽ khiến người mặc không quá thoải mái khi mặc. Vải cũng dễ bám bẩn, khó làm sạch, lâu khô do quá dày. Ngoài ra, nếu không biết cách chọn lựa màu sắc và kiểu dáng, loại vải này có thể khiến bạn “già trước tuổi”.

Trên đây là hướng dẫn cách chọn vải may váy đẹp, phù hợp và thông tin về một số loại vải thường dùng để may váy. Hy vọng những chia sẻ phía trên của chúng tôi sẽ hữu ích với bạn.

ĐP Phương Thảo